Số lượt xem : 2246 - Hãy chia sẻ với bạn bè nếu bạn thấy bổ ích !
Việc chó mèo đi vệ sinh trong bồn cầu thực sự là mong muốn của nhiều chủ thú cưng. Vì bạn sẽ không còn phải mất nhiều thời gian để đổ cát nhiều lần trong ngày. Cùng không cần lo lắng việc chất thải của chúng sẽ văng ra khắp nhà. Thế nhưng cách làm này có thực sự tốt với sức khỏe thú cưng của bạn. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Hiện nay, nhiều gia đình lựa chọn những bộ dụng cụ gắn với bồn cầu để giúp chó mèo đi vệ sinh dễ dàng. Những bộ dụng cụ này bao gồm: đĩa nhựa đồng tâm để gắn vào bồn cầu, ban đầu đĩa nhựa sẽ che kín mặt bồn cầu. Bạn có thể cho một ít cát vệ sinh lên trên đĩa nhựa để mèo làm quen với chúng. Sau mỗi hai tuần, bạn có thể tháo từng đĩa bên trong ra cho đến khi chú mèo của bạn có thể đứng trên thành bồn cầu và đi vệ sinh.
Theo lời giới thiệu của chủ hàng bán sản phẩm, bố trí những đồ dùng này có thể giúp chú mèo của bạn vẫn có thể đứng vững trên thành bồn cầu.
Thế nhưng, sự thật lại không được hoàn hảo như thế. Bạn khó có thể ép chú mèo của bạn đi chung nhà vệ sinh với bạn. Nó sẽ làm ảnh hướng đến sức khỏe của chúng nghiêm trọng.
Jackson Galaxy, một chuyên gia về hành vi của mèo và là chủ của kênh Animal Planet's My Cat From Hell, cho biết "Ý tưởng này thật vớ vẩn. Đó là hành động thay đổi bản năng của loài mèo chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân".
Galaxy đã đến với công việc chăm sóc những chú mèo 25 năm nay, phương châm làm việc của anh là bảo tồn và tôn trọng tập tính tự nhiên của loài mèo. Trong đó bao gồm cả thói quen đào cát, "xả" và lấp thành quả lại. Việc không sử dụng hộp cát vệ sinh cho mèo đồng nghĩa với việc người chủ không thể hòa hợp với tập tính của loài mèo. Thậm chí việc này còn gây kích động hành vi của chúng, cũng như dẫn đến những vấn đề về sức khỏe. "Việc tập cho những chú mèo đứng bấp bênh trên bồn cầu để đi vệ sinh hoàn toàn không phù hợp với bản năng của chúng", Galaxy nói.
Và nếu chú mèo của bạn ngã vào bồn cầu thì sao? Lisa Stemcosky, một chuyên gia tư vấn về hành vi loài mèo tại D.C, trả lời rằng chỉ cần một lần ngã vào bồn cầu cũng có thể để lại hậu quả lâu dài. "Đó là tình huống rất tồi tệ. Chúng sẽ bị ướt và hoảng sợ". Thậm chí cả khi một chú mèo đã được huấn luyện đi vệ sinh trong bồn cầu thành công, thì sự căng thẳng trong mỗi lần đi vệ sinh cũng có thể gây sang chấn tâm lý và khiến chúng có ác cảm với bồn cầu và cả cát vệ sinh, nhất là trong trường hợp tình huống này xảy ra khi không có ai ở nhà.
Nếu mèo sử dụng bồn cầu, người chủ khó mà phát hiện nếu có vấn đề về sức khỏe của những chú mèo. Theo dõi phân và nước tiểu mèo là một trong những cách kiểm tra tình trạng sức khỏe và phát hiện sớm triệu chứng bệnh ở loài mèo. Theo dõi chất thải của mèo trong hộp cát vệ sinh sẽ cung cấp rất nhiều thông tin cho chủ nuôi. Mèo đi tiểu ít có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, tắc nghẽn niệu đạo hay thậm chí là tiểu đường. Theo Stemcosky, tiêu chảy và táo bón cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nghiêm trọng. Nếu bạn xả chất thải của mèo xuống bồn cầu thì những dấu hiệu trên sẽ rất dễ bị bỏ qua.
Nhà hành vi động vật học và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Thú y UC Davis, Mikel Delgado cho biết có những chú mèo sẽ nhịn tiểu vì không thích đi vệ sinh trong bồn cầu. "Chúng sẽ nhịn tiểu lâu nhất có thể. Điều này sẽ dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe vì chúng không đi tiểu mỗi khi cần". Việc nhịn tiểu lâu ngày có thể dẫn đến tổn thương bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu hay thậm chí là gây tổn thương thận.
Thêm vào đó, nếu có quá đông người (và mèo) cùng sử dụng chung nhà vệ sinh cũng sẽ nảy sinh vấn đề. Ai nuôi mèo ắt hẳn đều biết chúng sẽ không kiên nhẫn đứng xếp hàng đợi để được vào nhà vệ sinh. "Nếu nắp bồn cầu bị đóng, cửa đóng hay ai đó đang sử dụng bồn cầu, chúng sẽ tìm chỗ khác để xả", Patience Fisher cho biết, cô là chuyên gia tư vấn về hành vi của mèo tại Pittsburgh, Pennsylvania. Chúng sẽ xả trên sàn nhà vệ sinh, trong bồn tắm hay bất kỳ chỗ nào trong nhà. Một trong những khách hàng của Stomcosky đã nhận nuôi một chú mèo trưởng thành, trước đó, nó đã được huấn luyện đi vệ sinh trong bồn cầu. Khi về nhà mới, nó đã phải vật lộn để làm quen với hộp cát, nó liên tục tiểu trong bồn cầu và trên khắp sàn nhà tắm. "Nó có thể đang rất bối rối và căng thẳng", Stemco Sky cho biết. Delgado, cô cũng là một chuyên gia tư vấn về hành vi động vật, cho rằng cô sẽ không làm việc với khách hàng nào có mèo gặp vấn đề về đường tiết niệu nếu họ không sử dụng hộp cát vệ sinh. "Tôi cho rằng nó là điều cơ bản nhất bạn có thể làm nếu muốn chăm sóc chú mèo của mình".
"Nếu bạn không muốn phải dọn hộp cát vệ sinh, vậy thì đừng nuôi mèo", Galaxy thẳng thắn. "Khác với những chú chó, mèo đòi hỏi ở người chủ rất ít. Chỉ có một số thứ. Và có một nơi để đi vệ sinh là một trong số đó".
Sau bài viết này liệu bạn còn muốn cho chú mèo của mình đi vệ sinh tại bồn cầu hay không. Hãy cho chúng tôi biết bằng cách bình luận bên dưới nhé.